Cách đây nhiều năm, khi tham dự khóa học về giao tiếp, tôi đã biết đến một phương pháp giảng dạy khác thường. Giảng viên yêu cầu chúng tôi liệt kê ra tất cả những việc mà chúng tôi vẫn còn thấy hổ thẹn, day dứt, hối tiếc hoặc chưa hoàn tất.
Qua tuần tiếp theo, giảng viên mời các học viên đọc to bảng danh sách của mình. Vì đây là những điều rất riêng tư của mỗi cá nhân, nên những ai can đảm lắm mới tình nguyện đọc trước cả lớp. Khi mọi người đọc bảng danh sách của họ thì những điều ân hận của tôi lại dài ra thêm, đến hơn 101 việc chỉ sau ba tuần. Tiếp theo, giảng viên gợi ý để chúng tôi tìm giải pháp cho những hành động đó, hoặc xin lỗi hoặc sửa sai để chuộc lại lỗi lầm. Thật tình, tôi rất phân vân, tự hỏi liệu cách này có giúp cải thiện những mối quan hệ của mình không, khi nghĩ đến cảnh bị mọi người lạnh nhạt xa lánh.
Sang tuần tiếp theo, người ngồi cạnh tôi xung phong kể lại câu chuyện như sau:
“Khi đang ghi ra những lỗi lầm của mình thì tôi chợt nhớ đến một sự việc xảy ra khi còn học trung học tại một thị trấn nhỏ thuộc bang Iowa. Ngày ấy, chúng tôi chúa ghét Brown, viên cảnh sát trưởng nơi chúng tôi sinh sống. Một đêm, tôi cùng hai đứa bạn quyết định chơi khăm ông ta. Sau khi uống vài ly bia trong quán, chúng tôi tìm một hộp sơn đỏ, trèo lên bồn chứa nước công cộng ngay giữa phố, rồi viết lên đó hàng chữ lớn đỏ chói: “Cảnh sát Brown là đồ khốn!”
Ngày hôm sau, hàng chữ chói chang ấy nổi bật dưới ánh mặt trời, đập ngay vào mắt mọi người. Chưa đầy hai tiếng đồng hồ, ông Brown đã triệu được cả ba chúng tôi lên đồn cảnh sát. Hai người bạn tôi thú nhận, nhưng tôi thì chối phăng. Chẳng ai phát hiện ra điều đó cả.
Gần hai mươi năm sau, cái tên ‘Cảnh sát trưởng Brown’ chợt hiện lên trong danh sách của tôi. Tôi không biết giờ ông ấy có còn sống hay không. Cuối tuần vừa rồi, tôi gọi điện về phòng cung cấp thông tin ở thị trấn ở Iowa, hỏi thăm thông tin và được biết có một người tên là Roger Brown. Tôi gọi theo số điện thoại họ cho. Sau vài hồi chuông, đầu dây bên kia nhấc máy: “Xin chào!” tôi mở lời: “Chú là Cảnh sát trưởng Brown phải không ạ?” “Phải!” tôi nghe sau vài giây im lặng.
“Cháu là Jimmy Calkins đây. Cháu muốn chú biết rằng chính cháu đã viết bậy lên bồn nước dạo ấy.”Đầu dây bên kia lại im lặng, rồi bỗng ông nói như hét lên: “Tôi biết mà!” Và rồi chúng tôi cùng cười to thật thoải mái và trò chuyện vui vẻ. Trước khi gác máy, ông Brown bảo tôi: “Jimmy à, hồi ấy tôi cảm thấy thương thay cho cậu. Bởi vì hai bạn cậu đã trút bỏ được gánh nặng do sự bồng bột của mình, còn cậu vẫn phải mang nó theo suốt những năm tháng vừa qua. Tôi cảm ơn cậu đã gọi điện cho tôi… vì sự thanh thản của chính bản thân cậu.”
Câu chuyện của Jimmy giúp tôi can đảm “gột sạch” tất cả 101 lỗi lầm của mình. Tuy phải mất gần hai năm, nhưng bù lại, điều đó đã trở thành điểm khởi đầu và là nguồn cảm hứng thực sự thôi thúc tôi chọn cho mình một công việc chuyên hòa giải mâu thuẫn. Cho dù mâu thuẫn, bất hòa hay tình huống có khó khăn đến đâu đi nữa, lúc nào tôi cũng luôn tâm niệm rằng: Chẳng bao giờ là quá muộn để gột sạch quá khứ và bắt đầu làm lại.
“Mỗi trải nghiệm mà ta đã trải qua đều tốt cho chúng ta. Điều quan trọng là phải có thái độ đúng để chấp nhận mới có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị đích thực của nó.”