Vết đen trên tờ giấy trắng

Cậu bé Ko-phi lớn lên từ một khu ngoại ô khốn khó của một đất nước nghèo nhưng học hành rất thông minh, luôn đứng nhất lớp. Có một câu chuyện mà cậu bé Ko-phi còn nhớ mãi, đó là lần thầy giáo đưa ra một tờ giấy trắng, trên đó có một vệt đen rất dễ nhìn thấy và đặt câu hỏi: “Các em thấy gì trên tờ giấy trắng này và hãy nêu nhận xét của mình?”.

Ko-phi cùng nhiều bạn khác giơ tay lên phát biểu với những hiểu biết riêng nhưng có chung một “ điểm thấy” là “có vệt mực đen”. Thầy giáo lắc đầu và nói: “Các em trả lời đều không sai, vệt đen quả là rất nổi bật trên trang giấy trắng. Nhưng này các em, sao không ai trong mỗi chúng ta nhận ra rằng tờ giấy này còn nhiều khoảng sạch lắm, còn hữu ích lắm. Ta có thể viết lên đó những dòng chữ có ích cho đời, những trang viết mà nội dung và ý nghĩa của nó có thể giúp ta quên đi vệt đen gần đó. Đáng gì một chấm đen, một vệt đen mà bỏ đi cả trang giấy trắng quý giá”.

Thầy giải thích tiếp: “Trong mỗi con người chúng ta cũng vậy, giữa những ngang trái trong cuộc sống, có người cũng sẽ mắc lỗi lầm, nhưng chúng ta phải có cái nhìn xa hơn, toàn diện hơn về người đó. Đừng quá chú trọng vào lỗi lầm của họ mà không thấy được những ưu điểm, tích cực có trong con người họ”.

Ngày nay trong các cuộc diễn đàn, hội nghị chính thức hay “không cà-vạt”, khi được hỏi bí quyết về những thành công trong cuộc sống và trong sự nghiệp chính trị, Ko-phi đều kể lại câu chuyện “Vết mực đen trên tờ giấy trắng” và câu kết bao giờ cũng là: “…Chúng ta phải có lòng bao dung, vị tha, phải có cái nhìn giàu tính nhân văn các bạn ạ!”.

Cậu bé Ko-phi năm nào nay chính là Ko-phi An-nan, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, một sứ giả thiện chí trong các cuộc đàm phán, một nhà hòa giải nổi tiếng thế giới.

Chia sẻ Truyện này

PinIt